Bạn đang ở:

ĐT Pháp giàu ngôi sao, nghèo lối chơi

12/07/2016 Bongdaplus.vn

Điểm nhấn lớn nhất của Pháp trong trận chung kết là những pha đua sức “hùng hục” của Moussa Sissoko. Không ai hình dung đội bóng toàn sao của Didier Deschamps lại thi đấu thiếu ý tưởng và cảm hứng đến vậy. Bản chất nghèo nàn trong lối chơi Les Bleus đã không thể che đậy ở trận đấu cuối cùng.

Đừng cậy cơ bắp!
Bất cứ HLV nào cũng muốn sở hữu những cầu thủ vạm vỡ, sức địch muôn người như Pogba, Sissoko. Nhưng hòa trộn họ ra sao trong một hệ thống thi đấu lại là chuyện đáng bàn. Deschamps thì chọn cách đơn giản nhất: phô trương sức mạnh cơ bắp hết sức có thể. Kể từ khi “phát hiện” ra tố chất bùng nổ của Sissoko ở trận gặp Iceland, ông đã tận dụng cầu thủ Newcastle như một mũi khoan bê tông trước Đức, và Bồ Đào Nha.

Không phủ nhận Sissoko đã làm tốt vai trò Deschamps giao. Song chính điều đó phản ảnh xu thế “cơ bắp hóa” lối chơi của Pháp được Deschamps cổ súy. Tại Stade de France, những Sissoko, Pogba, Coman được thoải mái đột phá cá nhân đến cả 40 mét, thậm chí khiến người ta có cảm giác Pháp đang chơi một thứ bóng đá đường phố với những đứa trẻ to khỏe ham thể hiện. Trước Bồ Đào Nha, Sissoko là người rê bóng nhiều nhất (7 lần), còn Coman có nhiều đường chuyền nguy hiểm nhất (4 lần). Họ chơi tốt nhưng đó là cái tốt triệt tiêu sức mạnh tập thể.

Deschamps đã ở đâu trong lối chơi tự phát như vậy? Hay ông dễ dàng hài lòng với chỉ vài cơ hội nguy hiểm tạo ra từ nỗ lực đơn lẻ của “lực sĩ” Sissoko? Nhìn lại cả hành trình EURO 2016, dễ thấy Pháp luôn dựa vào cơ bắp để lấn át đối thủ từ hàng phòng ngự (Evra, Sagna) cho tới tuyến giữa (Kante, Sissoko, Matuidi, Pogba) và ngay cả hàng công với tiền đạo to khỏe Giroud. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ thắng tranh chấp tay đôi của Pháp lên tới 56%, ngang với Croatia và cao nhất EURO tính sau vòng bán kết.

Một đội bóng dựa quá nhiều vào sức vóc cầu thủ, nền tảng sức mạnh và thể lực phi phàm, thực tế chỉ nhằm che đậy sự nghèo nàn trong lối chơi. Đó là điều mà Pháp đã che giấu thành công nhờ sự lóe sáng của các cá nhân xuất sắc ở 6 trận đầu tiên. Nhưng tới trận cuối cùng khi những Payet, Griezmann, Pogba cùng nhạt nhòa, Les Bleus lập tức trở nên vô hại.

Lối chơi…khoảnh khắc
Bi kịch sẽ không rơi xuống đầu người Pháp nếu Gignac dứt điểm thành công vào cuối trận. Nhưng hãy thử đặt trường hợp Gignac sút tung lưới Bồ Đào Nha và Pháp lên ngôi vô địch châu Âu. Liệu đó có phải một nhà vô địch giàu bản sắc như lối chơi khoa học và hiệu quả của Đức tại World Cup 2014, hay triết lý tiqui-taca huyền thoại của Tây Ban Nha giai đoạn thịnh vượng 2008-2012?

Không, Pháp sẽ là một nhà vô địch của các khoảnh khắc lóe sáng cá nhân, của những nỗ lực phi thường, chứ không phải của một lối chơi có nét thực sự. Mà đã khoảnh khắc, thì không thể lúc nào cũng xuất hiện. Griezmann, Payet không thể lúc nào cũng ở trạng thái sung mãn, không thể lúc nào cũng nhạy bén trước khung thành. Trận chung kết với Bồ Đào Nha, trớ trêu thay cho người Pháp, lại chính là thời điểm đồng loạt các ngôi sao áo lam đánh mất duyên ghi bàn. Và đó là lúc đội chủ nhà EURO phải trả giá đắt cho lối chơi phụ thuộc vào cảm hứng của các ngôi sao.

Tất nhiên, sự phụ thuộc đó không nằm trong kế hoạch của Deschamps. Vị HLV 47 tuổi đã cố gắng gây dựng một lối chơi gắn kết và thuyết phục trong suốt 4 năm qua. Nhưng thời gian không phải là chất keo cho cỗ máy áo lam. Đến EURO 2016, Deschamps vẫn phải xới tung các sơ đồ và đội hình để tìm ra công thức ưng ý nhất.

4-2-3-1 cuối cùng được lựa chọn như một sơ đồ hài hòa nhất giữa công và thủ. Song đó chỉ là công thức khô cứng trên sa bàn. Còn thực tế sân cỏ cho thấy Pháp vẫn chơi bế tắc và thiếu linh hoạt. Các tiền vệ giàu cơ bắp nhưng thiếu sáng tạo. Các hậu vệ cánh quá lớn tuổi để  tạo ra áp lực lên đối phương. Và Les Bleus luôn thiếu một đầu tàu dẫn dắt các đợt lên bóng.

Cuối cùng, Deschamps đành trông vào những cá nhân xuất sắc thay nhau “rẽ sóng” cho con tàu ra khơi. Payet xuất sắc vòng bảng, Griezmann bùng nổ vòng knock-out. Nhưng tới trận đấu quan trọng nhất, không ai còn đủ sức lên tiếng. Chiếc mặt nạ đã rơi, Pháp lộ nguyên hình một đội bóng vô cùng nghèo nàn về ý tưởng chơi bóng.

Một đội bóng chỉ trông vào những khoảnh khắc cá nhân, đã chết theo đúng cách như vậy, bởi một Eder từ trên trời rơi xuống.

20,454. Trải qua 20.454 ngày bất bại, Pháp mới phải nhận trận thua đầu tiên trên sân nhà tại một giải đấu lớn (World Cup, EURO). Lần gần nhất họ thua trên sân nhà là tại EURO 1960, với thất bại 0-2 trước Tiệp Khắc tại trận tranh hạng Ba vào ngày 09/07/1960. Kể từ đó, Pháp bất bại 18 trận (thắng 17, hòa 1) cho tới khi thua Bồ Đào Nha trong trận chung kết EURO 2016.

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba