Euro 2012
Bốn bàn thắng tuyệt đối đã đưa cúp vô địch Euro 2012 về tay đội tuyển Tây Ban Nha và cũng kết thúc Euro 2012. Một kỳ Euro đã mang lại khoản lợi lớn cho các câu lạc bộ châu Âu cũng như cho hai đồng chủ nhà Ba Lan và Ukraine.
Đội vô địch: Tây Ban Nha
Cầu thủ xuất sắc nhất: Andres Iniesta (Tây Ban Nha)
Chung kết
Tây Ban Nha 4-0 Italia
Ghi bàn: Silva 14', Alba 41', Torres 84', Mata 88'
Đây là trận chung kết Euro (tính cả ở World Cup) có cách biệt lớn nhất khi Tây Ban Nha dội cơn mưa 4 bàn thắng vào lưới Italia. Trong 45 phút đầu tiên, lối chơi tiqui-taca đẹp mắt và hiệu quả đã giúp La Roja dẫn trước Azzurri 2-0 trước khi ấn định chiến thắng đậm đà trong hiệp 2 vào thời điểm Italia chỉ còn thi đấu với 10 người (do Motta bị chấn thương lúc Italia đã thay đủ 3 cầu thủ).
Đây là chức vô địch giúp Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên vô địch hai kỳ Euro liên tiếp và đăng quang cả World Cup xen giữa hai kỳ Euro trong lịch sử.
Bán kết
Sau khi 2 cặp đấu tại bán kết Euro 2012 được xác định, Bồ Đào Nha và Đức có lẽ đều rất háo hức ngày lâm trận bởi đây là cơ hội tuyệt vời để họ có thể trả món nợ của lịch. Bồ Đào Nha muốn vượt qua Tây Ban Nha còn Đức muốn thắng Ý và tất nhiên cả hai đều có cơ sở để tin vào điều này.
Bán kết 1: Bồ Đào Nha vs Tây Ban Nha
Ở cặp đấu Bồ - Tây, người Bồ đang có một phong độ khá cao trước vòng bán kết với 3 thắng lợi liên tiếp trước Đan Mạch, Hà Lan và CH Séc. Thêm vào đó, Seleccao còn sở hữu Ronaldo, một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Trước trận thư hùng với người hàng xóm, Ronaldo cũng đã có được 3 bàn thắng và điều này khiến nhiều người tin rằng Ro “điệu” hoàn toàn có thể giúp Bồ Đào Nha đánh bại nhà ĐKVĐ.
Niềm tin đó càng được củng cố khi mà Tây Ban Nha đang cho thấy sự suy yếu của mình. Hàng công không còn sắc bén khi thiếu David Villa. Trong khi đó, hàng tiền vệ không thể tung hoành như trước đây do bộ não Xavi đã có dấu hiệu xuống phong độ do tuổi tác. Tương tự, tấm lá chắn của nhà ĐKVĐ cũng mất đi phần nào sự vững chắc khi thiếu Carles Puyol.
Vào trận với một niềm tin lớn như vậy và trên thực tế cũng đã tạo được một thế trận tương đối tốt trước Tây Ban Nha nhưng người Bồ lại không thể vượt qua chính mình. Theo thống kê sau khi trận đấu kết thúc, Bồ Đào Nha tuy lép vế về tỉ lệ kiểm soát bóng nhưng so về số cơ hội thì lại nhỉnh hơn đối phương. Trận đấu với Bồ cũng là trận đấu mà Tây Ban Nha thi đấu cực kém hiệu quả. Thế nhưng, Ronaldo cùng các đồng đội lại không thể làm được điều quan trọng nhất đó là ghi bàn.
Không thể phân định thắng thua trong 120 phút, hai đội phải bước vào đá penalty và tại đây, bản lĩnh của một nhà vô địch thực sự đã giúp Tây Ban Nha đi tiếp. Trong khi đó, người Bồ chỉ còn biết tự trách mình khi vẫn chưa thực sự sẵn sàng đốn ngã gã hàng xóm đáng ghét. Và một lần nữa, lịch sử đã lại.
Trong quá khứ, Bồ và Tây đã chạm trán nhau cả thảy 36 lần. Trong đó, Tây Ban Nha thắng áp đảo 18 trận, hòa 12 trận và chỉ để thua có 6 trận. Đáng chú ý, trong khuôn khổ những giải đấu chính thức, Người Bồ mới có 1 lần duy nhất được nở nụ cười chiến thắng trước người hàng xóm đó là trận đấu thuộc vòng bảng Euro 2004. Nuno Gomes là người ghi bàn duy nhất giúp Bồ hạ Tây. Còn lại Seleccao đã từng phải nhận những thất bại cay đắng trước La Roja như trận thua 0-9 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1934 hay trận thua 1-5 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1950 hay gần nhất là trận thua 0-1 tại vòng 1/16 World Cup 2010.
Bán kết 2: Đức vs Ý
Chịu chung số phận với Bồ Đào Nha là Đức khi thầy trò HLV J.Low không thể vượt qua được người Ý đầy bản lĩnh. Đáng ngạc nhiên là ở chỗ “Xe tăng” đang có một phong độ quá khủng khiếp với những thắng lợi liên tiếp tại Euro 2012. Bên cạnh đó là một lối chơi tấn công như triều dâng thác đổ, linh hoạt mà đầy hiệu quả, phóng khoáng nhưng không kém phần sắc sảo.
Bên kia chiến tuyến, dù góp mặt ở bán kết nhưng thầy trò Prandelli cũng không được đánh giá quá cao. Tại vòng bảng, Azzurri đã phải rất chật vật mới có được tấm vé đi tiếp. Ở tứ kết, đội bóng áo thiên thanh cũng đã khó khăn lắm mới hạ được tuyển Anh. Ngoài ra, lực lượng mà Prandelli có trong tay cũng không được đánh giáo cao ngoài Pirlo và bộ đôi Cassano-Balotelli trên hàng công.
Với tương quan như vậy, ai cũng nghĩ Đức sẽ dễ dàng “làm thịt” kỳ phùng địch thủ của mình. Vậy nhưng, một lần nữa người Đức lại phải khóc hận khi trận đấu kết thúc. Hai bàn thắng của Balotelli khi hiệp 1 chưa kết thúc đã khiến “Xe tăng” Đức choáng váng và không thể nào giật lại được thế trận. Cho dù sau đó Đức có được bàn gỡ ở phút 90+2 do công của Ozil trên chấm 11m thì cũng chưa đủ để người Đức tiếp tục giấc mơ của mình.
Thất bại của Đức trước Ý có thể là một bất ngờ ở thời điểm hiện tại nhưng nếu nhìn lại quá khứ đối đầu giữa hai đội, người hâm mộ đã phần nào thấy được nguyên nhân. Trong tổng số 18 lần chạm trán, Đức mới chỉ thắng được Ý 4 trận và thua tới 11 trận. Còn nếu tính riêng ở các giải đấu chính thức, Đức chưa một lần qua mặt được Azzurri khi có tới 4 trận thua cùng 3 trận hòa. Ở lần đối đầu gần nhất tại một giải đấu chính thức là World Cup 2006, Ý cũng đã đánh bại Đức với tỉ số 2-0 để rồi sau đó hạ nốt Pháp trong trận chung kết để bước lên đỉnh của thế giới.
Tứ kết
Vòng tứ kết Euro 2012 đã khép lại với rất nhiều cảm xúc. Thăng hoa có, vỡ òa có, tiếc nuối có và day dứt cũng có. Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy là chân lý đã thuộc về kẻ mạnh. Đã không có bất ngờ nào xảy ra và những đội bóng được đánh giá cao hơn đều đã có cho mình tấm vé vào vòng bán kết.
Tứ kết 1: CH Czech vs Bồ Đào Nha
Ở trận tứ kết đầu tiên giữa Bồ Đào Nha và CH Séc, người Bồ đã gặp rất nhiều khó khăn trước lối chơi kỷ luật của đội bóng Đông Âu. Dù thiếu vắng nhạc trưởng Rosicky nhưng CH Séc đã chơi một trận đấu đầy nỗ lực và hạn chế được phần nào sức mạnh tấn công của Bồ Đào Nha. Tuy vậy, màn tỏa sáng của Ronaldo với bàn thắng ở phút 79 đã giúp Bồ Đào Nha đi tiếp, đây cũng chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai đội. CH Séc đã không quá lép vế về mặt thế trận nhưng họ lại không có những ngôi sao lớn có thể giải quyết trận đấu trong một tích tắc điều mà Ronaldo đã đem đến cho người Bồ. CH Séc phải dừng bước ở tứ kết nhưng rõ ràng họ cũng chẳng phải tiếc nuối quá nhiều bởi so với đối Bồ Đào Nha, đội bóng tới từ xứ sở pha lê không thể sánh bẳng về cả đẳng cấp lẫn các ngôi sao trong đội hình. Còn Ronaldo cùng các đồng đội sẽ tiếp tục giấc mơ chinh phục đỉnh châu Âu.
Tứ kết 2: Đức vs Hy Lạp
Khác với sự căng thẳng diễn ra ở cặp đấu CH Séc – Bồ Đào Nha, Đức đã áp đảo hoàn toàn Hy Lạp trong trận tứ kết thứ 2 với một sức mạnh khủng khiếp. 4 bàn thắng đã lần lượt được Lahm, Khedira, Kloses và Reus nã vào lưới nhà cựu vô địch Euro 2004. Dù Hy Lạp cũng đã có được hai bàn gỡ do công của Samaras và Salpingidis nhưng chừng đó là chưa đủ để đội bóng của xứ sở các vị thần tránh khỏi một trận thua tan tác. Bước vào trận đấu với Hy Lạp, HLV J.Low đã cất bộ ba Muller – Gomez – Podolski trên băng ghế dự bị và thay vào đó Reus – Klose – Schurrle đã được trao cơ hội. Những tưởng sự thay đổi này sẽ khiến Đức khó có thể áp đặt thế trận trước một Hy Lạp lỳ lợm. Tuy nhiên, những gì mà Reus, Klose và Schurrle thể hiện đã không khiến người hâm mộ thất vọng mà đặc biệt là sự cơ động của tài năng trẻ Reus và sự nhạy bén của lão tướng Klose. Chẳng thể trách Hy Lạp bởi thầy trò HLV Santos đã làm hết sức mình. Có trách thì trách Đức quá mạnh, quá biến ảo và quá bản lĩnh. Thắng đậm Hy Lạp, Đức một lần nữa chứng minh mình là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch tại Euro 2012 năm nay.
Tứ kết 3: Tây Ban Nha vs Pháp
Trước khi bước vào cuộc đọ sức với người Pháp, Tây Ban Nha ít nhiều cũng phải đối diện với sức ép từ thành tích trong quá khứ. Theo thống kê, sau 4 lần đối mặt với Pháp tại các giải đấu chính thức, Tây Ban Nha chưa một lần giành chiến thắng và đã thua tới 3 trận. Thế nhưng, nhìn cách mà các học trò của HLV Del Bosque thi đấu, chẳng ai nghĩ họ đang chịu sức ép. Một thế trận tấn công nhịp nhàng, biến hóa, chặt chẽ đã được người Tây Ban Nha giăng ra khiến Pháp không còn là chính mình. Tiqui-taca đã được vận hành hết sức trơn tru và kết thúc bằng hai bàn thắng khá dễ dàng của Alonso. Thắng lợi trước đối thủ kị dơ chắc chắn sẽ giúp Tây Ban Nha có thêm động lực trên hành trình bảo vệ ngôi vương của mình. Bên cạnh đó, với những gì đã thể hiện trước Pháp, Tây Ban Nha đã gửi một thông điệp đanh thép tới những kẻ lăm le chiếm ngôi báu của mình rằng "Bò tót" vẫn là số 1.
Tứ kết 4: Anh vs Italia
Khác với 3 cặp đấu trên, màn đọ sức giữa Anh và Ý đã không có bàn thắng nào được ghi nhưng cảm xúc mà nó mang lại cho người hâm mộ là không hề nhỏ. Đây cũng có thể coi là trận cầu kịch tính nhất của vòng tứ kết Euro 2012. HLV Roy Hodgson đã không giấu diếm ý đồ lái trận đấu tới loạt đá luân lưu và ông đã thành công một nửa khi hai đội hòa nhau 0-0 sau 120 phút. Nói là thành công một nửa bởi các học trò của ông đã không thể vượt qua đối thủ trong loạt sút 11m may rủi. Người Ý đã tỏ ra bản lĩnh hơn hẳn đối thủ của mình để rồi giành chiến thắng với tỉ số 4-2 trên chấm trắng. Xét một cách khách quan, Ý hoàn toàn xứng đáng với chiến thắng này bởi trong suốt cả trận đấu, Azzurri đã làm chủ được thế trận và nếu may mắn hơn, họ đã có thể giành chiến thắng ngay ở thời gian thi đấu chính thức.
Vòng bảng: Có một Euro lý tính
Màn diễn đầu tiên của Euro 2012 trên sân khấu Ba Lan, Ukraine đã khép lại với không nhiều dấu ấn. Có bất ngờ, nhưng những nút thắt cao trào, kích tính thì chưa. Cũng không có những trận đấu, những “bữa tiệc” bóng đá làm mãn nhãn người xem. Còn nhà vô địch thì như vẫn cố… giấu mình.
Chất lượng… bình thường
Qua 24 trận đấu của 4 bảng, đã có tròn 60 bàn thắng được ghi, bình quân 2,5 bàn/trận. Một chỉ số không thấp nhưng cũng chẳng cao. Có nhiều bàn thắng nhất là lượt trận thứ 2 với 26 lần lưới các đội rung lên (trung bình 3,25 bàn/trận, so với lượt trận đầu tiên chỉ có 20 bàn) do các đội phải bung hết sức để sớm quyết định số phận. Song, sang đến lượt đấu cuối, con số này đã tụt xuống chỉ còn 14 bàn. Điều đáng nói là không có một trận đấu nào không có bàn thắng (cả 5 trận hòa đều có cùng tỷ số 1-1, có 6/24 trận kết thúc với tỷ số tối thiểu 1-0). Đặc biệt có rất nhiều bàn thắng từ đánh đầu.
Hiệu ứng Chelsea lên ngôi ở Champions League bằng lối chơi phòng thủ đã có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của các nhà cầm quân tại vòng chung kết (VCK) Euro. Không đến mức tiêu cực đổ bê tông hay dựng chiếc xe bus 2, 3 tầng; nhưng hầu hết các đội, ngay cả những ứng cử viên, đều đặt sự thận trọng, an toàn lên trước tiên.
Bên cạnh đó, một yếu tố tích cực là trong sự giao thoa dễ dàng của “thế giới phẳng”, trình độ và sự hiểu biết về nhau của các đội tuyển (ĐT) ở cựu lục địa đã gần lại đáng kể. Trong 3 trận có tỷ số chênh lệch cao nhất thì 2 thuộc Ireland (thua Croatia 1-3 và Tây Ban Nha 0-4) do đội bóng của Trapattoni quá yếu lại ngờ nghệch, còn trận thua đầu tay 1-4 của CH Czech trước Nga chẳng qua là “tai nạn” (bằng chứng là sau đó chính CH Czech chứ không phải Nga là ĐT đi tiếp).
Dấu ấn và chiến thuật
Không (hay chưa) có cuộc cách mạng nào về chiến thuật, chủ yếu vẫn là những biến thể của đội hình 4-4-2, 4-3-2-1 hay 4-1-4-1. Sơ đồ 4-6-0 mà huấn luyện viên (HLV) Del Bosque áp dụng chủ yếu là thích ứng với tình hình lực lượng và lối chơi tiqui taca chứ không phải là chủ đích sáng tạo. Thực chất Tây Ban Nha vẫn chơi 4-5-1 với Fabregas đá cao nhất, chỉ có điều vai trò của anh ở đây là một tiền đạo ảo. Trong bối cảnh ấy, sự vận hành khá nhuần nhuyễn đội hình chiến thuật 3-5-2 của Italia được xem là cách tân thành công mang dấu ấn của HLV Prandelli.
Nếu xét theo những đánh giá ban đầu trước giải, việc Nga và Hà Lan bị loại là 2 bất ngờ lớn nhất ở vòng bảng. Song, nếu căn cứ vào màn thể hiện tại VCK thì ngay đến các cổ động viên (CĐV) của họ cũng thừa nhận: nhà vô địch Euro đầu tiên và đương kim á quân thế giới về nước là đáng (thậm chí hành trang ra về của Hà Lan còn là con số 0 to tướng). Không như Euro 4 năm trước, lần này cái chết của "thiên nga" và "hoa tulip" không để lại được một lý do nào để người hâm mộ và giới truyền thông tiếc thương.
Kỳ Euro thứ 2 liên tiếp cả 2 đội đồng chủ nhà sớm trở thành khán giả ngay sau vòng bảng. Tuy nhiên, so với Áo và Thụy Sĩ 4 năm trước, Ba Lan, Ukraine hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu rời cuộc chơi.
Poznań |
Wrocław |
Warszawa |
Kiev |
Sân Poznan |
Sân Wroclaw | SVĐ Quốc gia Ba Lan |
SVĐ Olympic |
43,090 |
44,416 |
58,224 |
63,195 |
|
|
|
|
Kharkiv |
Donetsk |
Gdansk |
Lviv |
Metalist Stadium |
Donbass Arena |
PGE Arena |
New Lviv Stadium |
35,821 |
50,055 |
44,636 |
34,915 |
|
|
|
|
TT | Tên cầu thủ | Đội bóng | Số bàn(11 mét) |
- Năm
- Vô địch
- Giải nhì
- Giải ba