Cái chết tạm thời của thứ bóng đá kiểm soát
14/07/2016 Bongdaplus.vnCó một thời gian dài, các đội bóng châu Âu run sợ trước nghệ thuật giữ bóng thiên tài của Barca và ĐT Tây Ban Nha. Nhưng VCK EURO 2016 cho thấy môn thể thao vua đã tiến hóa mạnh như thế nào, khi lối chơi đề cao kiểm soát bóng đã không còn phát huy hiệu quả.
KHÔNG PHẢI SỢ TIQUI-TACA
Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt của bóng đá châu Âu, khi HLV Pep Guardiola được Barca bổ nhiệm. Sự thăng hoa của Barca cùng tiqui-taca đã khiến cả thế giới khiếp sợ trong suốt 2 năm khi họ luôn kiểm soát bóng 70% trở lên, cho đến khi Barca của Pep bị Inter đánh bại ở bán kết Champions League 2009/10. Trận lượt về tại sân Nou Camp đã tôn vinh thầy trò HLV Jose Mourinho khi họ chỉ cầm bóng… 16%, nhưng đã xuất sắc chỉ chịu thua 0-1 để tiến vào chung kết với tổng tỷ số thắng 3-2.
Trận đấu kể trên được xem là phát kiến đầu tiên để đối phó với thứ bóng đá kiểm soát bóng nhiều. HLV Mourinho đã chỉ đạo các học trò để mặc cho Barca cầm bóng nhiều, nhưng tổ chức vây ráp những mũi nhọn nguy hiểm nhất thực hiệu quả, để Barca tự rối loạn với cách chơi của họ. So với trước đó, các đối thủ luôn tìm cách ngăn cản Barca cầm bóng, và hầu như đều thất bại.
VCK EURO 2016 đã chứng kiến sự lên ngôi của các đội biết cách trở thành khắc tinh của xu thế kiểm soát bóng. Đây được xem là sự tiến hóa lớn của bóng đá thế giới, giống như tại World Cup 1958 với sơ đồ 4 hậu vệ, World Cup 1974 với bóng đá tổng lực Hà Lan và World Cup 1986 với sơ đồ 3 hậu vệ.
Đức kiểm soát bóng tới 66,8%, nhưng vẫn thua Pháp ở bán kết. Trước đó ở vòng 1/8, Tây Ban Nha đã có thời điểm kiểm soát bóng áp đảo Italia (75% - 25%) nhưng vẫn bất lực, không thể tạo ra những cơ hội rõ nét trước khung thành đối phương. Những chiến thắng của Italia trước Tây Ban Nha và Pháp trước Đức trở thành điển hình cho xu thế cầm bóng ít mà vẫn thắng tại EURO 2016.
Xứ Wales, Bắc Ireland và đặc biệt là Iceland đã cho thấy chìa khóa thành công không nhất thiết phải nằm ở việc kiểm soát bóng giỏi. Đức cầm bóng tốt và vào đến bán kết, trước khi chịu thua Pháp có phần nào đó kém may mắn. Nhưng phải thấy rằng người Đức có Toni Kroos, Thomas Mueller và Mesut Oezil, 3 tiền vệ sáng tạo hàng đầu châu Âu, nhờ đó mà xây dựng được lối chơi thuyết phục. Nhưng ngoài Đức, không hàng tiền vệ nào đạt chất lượng như vậy tại EURO 2016.
CẢM HỨNG TỪ LEICESTER, ATLETICO
Ở châu Âu gần đây đã chứng kiến sự lên ngôi của các đội bóng kiểm soát bóng ít. Atletico đã được xây dựng thành một quyền lực của bóng đá châu Âu, nhưng điển hình phải kể đến chức vô địch Premier League của Leicester.
Tại Premier League mùa trước, Leicester chỉ cầm bóng trung bình 44,8% mỗi trận, xếp thứ ba từ dưới lên trong chỉ tiêu này. Về tỷ lệ chuyền chính xác, Leicester còn tệ hơn khi xếp áp chót (70,5%), nhưng đội quân của HLV Claudio Ranieri đã viết nên một trong những câu chuyện cổ tích đẹp nhất của bóng đá thời hiện đại nhờ những miếng đánh thoạt nhìn tưởng đơn giản như vậy.
Leicester hay Atletico ở cấp CLB không bao giờ nhận được sự tán thưởng của NHM duy mỹ. Tương tự là câu chuyện của những Xứ Wales, Iceland hay kể cả nhà vô địch Bồ Đào Nha tại EURO 2016. Nhưng giải đấu lớn tại Pháp vừa kết thúc cho thấy thứ bóng đá “chộp giật” đang lên ngôi, đó chính là khắc tinh của phong cách cầm bóng nhiều từng là chìa khóa thành công trong mấy năm qua.
Tất nhiên xu hướng này dễ thành công ở các giải đấu lớn cấp ĐTQG hơn là CLB. Bởi các ĐTQG đều không có nhiều thời gian để lắp ghép, phối hợp giữa các cầu thủ, nhằm luyện tập nhuần nhuyễn các miếng đánh. Ngược lại ở cấp CLB, khi các cầu thủ ăn tập với nhau hàng ngày, hiểu rõ từng pha chạm bóng của nhau.
Tóm lại, sự lên ngôi của bóng đá “chộp giật” ở EURO 2016 tuy chỉ ra rằng không nhất phải cầm bóng nhiều mới thành công, nhưng có lẽ cũng chỉ phát huy tác dụng ở giải đấu ngắn ngày. Thông thường những bài vở như vậy thường dễ bị bắt bài khi đã hết tính bất ngờ, còn ban huấn luyện các đội đã có đủ thời gian để nghiên cứu phương án đối phó. Xu hướng chung của bóng đá hiện đại vẫn phải là xây dựng hàng tiền vệ mạnh, phối hợp nhuần nhuyễn trên cơ sở cầm bóng và chuyền bóng.
Đội tuyển
TT | Tên cầu thủ | Đội bóng | Số bàn(11 mét) |
- Năm
- Vô địch
- Giải nhì
- Giải ba