Bạn đang ở:

Bồ Đào Nha: Nửa thế kỷ đổi màu nước mắt

12/07/2016 Bongdaplus.vn

Ngày 26/7/1966 trên sân Wembley, Anh gặp Bồ Đào Nha tại bán kết World Cup 1966. Ngày hôm ấy, Anh đã thắng với tỉ số 2-1. Người hùng của Bồ Đào Nha, huyền thoại Eusebio khóc tức tưởi khi kết thúc trận đấu. Sau này, người Bồ Đào Nha gọi trận đấu ấy bằng cụm từ “Jogo das Lagrimas”, có nghĩa là “Trận cầu nước mắt”.

Tại sao Eusebio đau đớn đến thế? Bởi hôm ấy, ông bị từ chối tới … 4 bàn thắng. Bạn biết điều ấy có nghĩa là gì không? Nếu 4 bàn đó được công nhận, Bồ Đào Nha không chỉ có thể vô địch, mà cá nhân Eusebio có thể vượt qua kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” 13 bàn trong một kỳ World Cup của Just Fontaine. Người Bồ Đào Nha đã biết khóc vì sự bất công từ 50 năm trước. 34 năm sau những giọt nước mắt của Eusebio, Bồ Đào Nha của thế hệ vàng Luis Figo, Rui Costa, Fernando Couto… nhận thất bại oan nghiệt trước Pháp tại bán kết EURO 2000. Điều nghiệt ngã nhất là trận cầu ấy còn cướp mất linh hồn của Nuno Gomes trong án treo giò 7 tháng.

Kể từ hôm ấy, mảnh ghép mang tên “tiền đạo” cho thế hệ vàng đã chết. Tất cả, chỉ bởi một pha “bẻ còi” của trọng tài Gunter Benko ở phút 117. 4 năm sau, trong trận chung kết trên sân nhà Lisbon, Bồ Đào Nha bại trận trước Hy Lạp. Eusebio bước lên trao cúp cho đối thủ, thân hình ông run rẩy, khuôn mặt không thể nở nổi nụ cười cho đủ phép lịch sự. Dưới sân, chàng trai 19 tuổi Ronaldo đang khóc. Figo, Rui Costa… thất thần, trên quê hương của mình, thế hệ vàng lại không thể đem đến cho người dân nụ cười.

Một nền bóng đá hùng mạnh, giàu kỹ thuật, được xưng tụng là “Brazil của châu Âu”, một nền bóng đá luôn biết cách sản sinh ra những Eusebio, Rui Costa, Figo, Cristiano Ronaldo, mà lại chưa từng giương cao một danh hiệu vô địch EURO hay World Cup nào, đấy là một điều rất oan trái. Bạn hãy để ý đi, khi kết thúc trận chung kết EURO 2016, dù là đội chiến thắng, nhưng các cầu thủ Bồ Đào Nha khóc nhiều hơn đồng nghiệp bên phía đội tuyển Pháp. Có nghĩa các cầu thủ Bồ Đào Nha và cả dân tộc này đã khát khao danh hiệu này quá lâu. Sự hạnh phúc đã vượt quá cảm giác của nụ cười, bởi vì “tột đỉnh của hạnh phúc là nước mắt”.

Trừ Ronaldo ra, đội tuyển Bồ Đào Nha của EURO 2016 là tập thể của những con người không giỏi như Eusebio hay đồng đều như thế hệ Figo, Rui Costa. Nhưng họ có khát vọng 50 năm của các bậc tiền bối. Điều ấy đã đem đến chiến thắng cho họ. Hãy nhìn hành trình của Bồ Đào Nha, đó là hành trình của sức mạnh tinh thần. Bồ Đào Nha đã lách qua khe cửa hẹp ở vòng bảng, đã đi qua loạt “đấu súng” với Ba Lan ở tứ kết, đã giải mã hiện tượng Xứ Wales ở bán kết. Và ở chung kết, đã đổ mồ hôi và máu để chiến thắng ở trận cầu mà đội trưởng của họ, đã rời sân ngay từ phút 25 trong nước mắt sau một pha chơi kín của đối thủ.

Chúng ta không có quyền phủ nhận Bồ Đào Nha bằng cái lý lẽ “Xứng đáng”, vì đấy là đam mê ích kỷ để ép một nền bóng đá phải nối gót 50 năm trường chinh vật vã của các thế hệ tài năng đi trước. Điều ấy, chỉ đúng với cảm xúc, không đúng với lý trí. Hãy nhớ lịch sử có sự bù trừ, chính là bởi vì con người đã viết lại lịch sử trên một quá khứ có nhiều đau khổ. Một số phận chỉ có vinh quang khi được xây dựng trên rất nhiều nỗi đau và vấp ngã. Những gì Ronaldo, Pepe, Nani… làm hôm nay là sự đáp đền cho 50 năm với quá nhiều bi kịch của bóng đá Bồ Đào Nha.

Nền bóng đá ấy xứng đáng với những gì đẹp nhất ở EURO 2016.

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba