Linh hoạt chiến thuật là chìa khóa quyết định đại chiến
02/07/2016 Bongdaplus.vnNếu như Đức không thể thắng nổi Ý lần nào trong những trận đấu chính thức, điều đó chỉ có thể là do chiến thuật của họ quá bất biến, khiến đối phương lần nào cũng bắt bài được. Nhưng lần tái ngộ này, Đức rõ ràng đã khác.
Đức đã biết rút kinh nghiệm
Sự bất biến về chiến thuật từng là nguyên nhân quan trọng khiến người Đức không thể đánh bại Italia ở các giải đấu lớn, cái dớp này đã kéo dài trong suốt 54 năm qua. Cứ mỗi khi gặp Đức thì dường như ngay từ khi bóng chưa lăn, Azzurri đã biết trước người Đức mạnh ở đâu, sẽ chơi bóng như thế nào và để lộ điểm yếu gì.
Trước đối thủ mạnh hơn là Đức, bao giờ Italia cũng đá ở thế “cửa dưới”, để mặc cho đối phương diễu võ giương oai, trước khi họ bất thần tung nhát kiếm quyết định ở thời điểm đối thủ lơ là nhất. Cả thầy lẫn trò của Mannschaft đã không ít lần mắc bẫy của người Italia, phải nếm trái đắng theo cách như vậy, điển hình là 2 thất bại đắng cay ở bán kết World Cup 2006 và EURO 2012.
Điều này có lẽ đúng trước đây, nhưng giờ thì khác. World Cup 2014, Đức lên ngôi nhờ vào chiến thuật linh hoạt. Từ khi Pep Guardiola đến Đức, ông đã nâng trình độ chiến thuật của các tuyển thủ Đức trong đội hình Bayern lên một tầm cao mới. Chính đội tuyển Đức cũng được hưởng lợi từ điều đó. HLV Joachim Loew chưa từng phủ nhận ảnh hưởng của Pep lên đội bóng của ông.
Và sự đa dạng về chiến thuật đang giúp cho Đức trở nên khó lường hơn. Lần chạm trán gần nhất, tuy chỉ là giao hữu, việc Đức vượt qua Italia với tỷ số 4-1 cho thấy họ không còn cảm thấy quá sợ hãi khi đối đầu với Italia nữa. Điều này, làm cho cựu tuyển thủ Giuseppe Bergomi e dè. Huyền thoại của Inter Milan nói: “Chúng tôi không muốn chạm trán Đức sớm thế, đấy là điều chắc chắn. Lần gặp nhau gần nhất, Loew cho thấy ông ta biết cách đánh bại chúng tôi”.
Cách đánh bại ấy là gì? Là đòn “gậy ông đập lưng ông” với sơ đồ 3-5-2 của người Italia. Trước đây, sơ đồ ba trung vệ luôn được xem là đặc sản của bóng đá Ý. Ngay tại giải lần này, 3-5-2 đã giúp Italia đánh bại Tây Ban Nha và Bỉ một cách khá dễ dàng. Khả năng tuân thủ chiến thuật tuyệt vời của các tuyển thủ Ý, cặp hậu vệ cánh lên công về thủ nhịp nhàng giúp Ý kiểm soát thế trận cực tốt và vô hiệu hóa được các tiền vệ kỹ thuật của đối thủ.
3-5-2 không dọa được Đức
Nhưng 3-5-2 của Italia có thể vô hiệu hóa được 4-2-3-1, chứ nếu gặp một sơ đồ y chang thì chưa chắc phát huy tác dụng. Bergomi nói: “Nếu hai đội cùng ra sân với một sơ đồ, thì cầu thủ của ai giỏi hơn sẽ thắng. Trong trường hợp này là Đức!”
Xem ra đấy là một phát ngôn đáng chú ý hơn cả trong số các chuyên gia. Bởi vì Đức quả thực có thể chơi được với nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau. Họ có dư quân số để chuẩn bị được phương án B, thậm chí là phương án C.
Chúng ta có thể thấy rõ điều đó nếu nhìn vào hành trình của Đức tại giải. Ở vòng bảng, họ chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng quen thuộc, đúng kiểu của Bayern trong hai năm đầu tiên dưới thời Pep Guardiola. Họ chuyền phải đến... vài chục đường chuyền trước khi đưa bóng đến vị trí của một cầu thủ có thể dứt điểm. Nhưng đến trận gặp Slovakia ở vòng 1/8, Đức lột xác hoàn toàn. Họ gây sức ép liên tục với những pha bóng trực diện và cực kỳ đơn giản.
Chỉ với một quân bài mang tên Julian Draxler, thế công của Đức lập tức thay đổi, dù có thể đội hình vẫn chỉ là 4-2-3-1. Tất nhiên không thể không nói đến việc Đức hoàn toàn có thể nhập cuộc với 3-4-3, tức sơ đồ gồm ba trung vệ và hai cầu thủ chạy cánh. Đức tập sơ đồ này và dùng chính sơ đồ này đánh bại Italia 4-1 ở trận giao hữu chính là để dành cho những trận đấu như thế này.
Người Ý có thể khiến Đức và Bỉ bất ngờ với 3-5-2, nhưng Đức thì không. HLV Antonio Conte cần phải có một tuyệt chiêu khác để đấu với Đức. Và với bất kỳ sơ đồ nào, Loew cũng có thể đưa ra cách ứng phó, miễn là ông có thời gian để làm việc ấy trước khi bị lọt lưới.
Đội tuyển
TT | Tên cầu thủ | Đội bóng | Số bàn(11 mét) |
- Năm
- Vô địch
- Giải nhì
- Giải ba