ĐT Anh chết vì sự bảo thủ của Hodgson
28/06/2016 Bongdaplus.vnThua ngược Iceland trong thế bị dẫn trước có thể là kết quả bất ngờ nhưng với những ai theo dõi trận đấu giữa 2 đội, không khó để họ chỉ ra nguyên nhân thất bại của Tam Sư: Sự bảo thủ của Roy Hodgson.
Anh gặp Iceland có lẽ là cặp đấu trong mơ mà bất cứ CĐV Tam Sư nào cũng mong muốn. Iceland là ngựa ô của EURO năm nay, nhưng về mặt kinh nghiệm, danh tiếng lẫn trình độ,
họ đều không thể sánh với những học trò của Roy Hodgson. Cái tên nổi bật nhất của đội bóng xứ Đảo Băng có lẽ chỉ là Gylfi Sigurdsson, một cầu thủ từng dự bị ở Tottenham và Eidur Gudjohnsen, một lão tướng năm nay đã gần 40.
Đó sẽ là bước đệm không thể tốt hơn, là bài tổng duyệt cuối cùng trước khi bước vào tứ kết gặp đối thủ đầy duyên nợ là ĐT Pháp. Nhiều người đã hy vọng vào một màn trình diễn tưng bừng của Tam Sư, sau khi Rooney cùng đồng đội đã chơi không thực sự như ý ở vòng bảng.
Nhưng không. Một lần nữa, Roy Hodgson cho thấy ông có thể làm tốt hơn cả Louis van Gaal trên khía cạnh... chọc tức CĐV nhà. Thoạt nhìn đội hình xuất phát, thật khó để có thể đưa ra 11 cái tên nào hợp lý hơn cho ĐT Anh. Trấn giữ khung thành vẫn là Joe Hart, bộ tứ vệ Walker - Cahill - Smalling - Rose, Dier và Rooney tiếp tục song hành ở tuyến giữa. Chơi cao hơn một chút là Alli, hỗ trợ cho tam tấu Sterling - Kane - Sturridge ở hàng công.
Bản đồ nhiệt cho thấy cả Walker và Rose rất ít khi hỗ trợ cho các đồng đội ở tuyến trên ở khu vực 1/3 sân đối thủ
Vấn đề ở chỗ, cách vận hành lối chơi của ĐT Anh thực sự khiến NHM phát cáu. Một lối chơi vô hồn, thiếu sức sống được Roy Hodgson áp dụng cho các học trò. Vẫn như thường lệ, Sterling và Sturridge được chỉ đạo bó vào khu vực giữa sân khi có bóng nhằm tạo khoảng trống cho các hậu vệ lên biên. Thế nhưng, cả Walker và Rose trận này đều rất hiếm khi xâm nhập vào 1/3 cuối sân đối thủ.
Tại sao khi cần chơi tấn công, 2 hậu vệ biên lại lãng phí những khoảng trống rộng mênh mông đến thế? Là do họ thực sự kém? Không phải, vì ở Tottenham cả Rose và Walker thường xuyên có những tình huống lên biên vô cùng lợi hại. Chính Roy Hodgson đã yêu cầu họ không được dâng quá cao nhằm tránh để đối phương... phản công.
Rồi nữa, trong trận mở màn gặp Nga, ai cũng biết Kane đá phạt tồi đến thế nào. Nhưng không, Hodgson vẫn tin rằng anh chàng này có thể làm nên điều gì đó trong những tình huống cố định và giao cho anh ta trọng trách ấy. Kết quả là sao? Kane thực hiện 4 quả đá phạt ở chếch bên trái thì chỉ 1 tạo ra cơ hội, còn lại 2 quả bị đối phương phá ra và một tình huống đi thẳng ra ngoài. Trong khi đó, nếu để Kane trong vòng cấm rồi cử Rooney hoặc Dier đá phạt, mọi thứ sẽ ổn hơn rất nhiều.
Hodgson định chứng tỏ điều gì khi bố trí Kane đá phạt ở mọi cự ly?
Chưa hết, ông còn đặt niềm tin hết sức to lớn vào... Alli và Sterling, những cầu thủ bị đánh giá thấp nhất trận đấu (theo thống kê của WhoScored). Alli được chơi cả trận và hoàn toàn vô hại trước vòng cấm đối thủ, trong khi Sterling đáng bị thay ngay sau giờ nghỉ thì lại rút... Dier rời sân. Marcus Rashford, người mang lại những nét tươi mới cho hàng công phải đến tận phút 86 mới được sử dụng, thay cho Wayne Rooney, người duy nhất có khả năng điều phối bóng trên sân thời điểm ấy.
Đến đây, chúng ta lại nhớ ngay tới Louis van Gaal, người vừa bị M.U sa thải vì hoàn loạt những quyết định sai lầm về nhân sự và chiến thuật, biến Quỷ đỏ từ thế lực bóng đá châu Âu trở thành kẻ săn... suất dự Europa League. ĐT Anh đến với EURO lần này với kỳ vọng sẽ có một giải đấu thành công của lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng. Nhưng Hodgson đã giết chết tất cả bởi sự bảo thủ đến khó hiểu của mình.
Đội tuyển
TT | Tên cầu thủ | Đội bóng | Số bàn(11 mét) |
- Năm
- Vô địch
- Giải nhì
- Giải ba