Bạn đang ở:

Sút 11m, thành bại tại đâu?

28/06/2016 Bongdaplus.vn
Các ngôi sao ngày càng vô duyên trên chấm 11m: từ Cristiano Ronaldo, Sergio Ramos, Mesut Oezil ở EURO 2016 cho tới Lionel Messi, Arturo Vidal ở chung kết Copa America 2016. Cùng nhìn lại chiều dài lịch sử sút 11m để thử lý giải thực tế này.

Bóng đá hấp dẫn nhờ luôn chứa đựng kịch tính, chứa đựng những điều bất ngờ không giải thích được. Nhưng với Cristiano Ronaldo, hoàn toàn có cơ sở để người ta nghi ngờ anh sẽ sút hỏng khi đứng trước quả phạt đền ở trận gặp Áo. Khi ấy, Ronaldo vẫn chưa có bàn thắng nào. Bồ Đào Nha vẫn chưa có trận thắng nào. Một mặt, vai trò và trách nhiệm của Ronaldo quá lớn. Mặt khác, hiển nhiên áp lực cũng lớn. Đấy là hoàn cảnh tối kỵ để một ngôi sao như Ronaldo nhận trách nhiệm sút phạt đền.

Cách đây đúng 40 năm, Tiệp Khắc đoạt chức vô địch EURO 1976 - danh hiệu lớn duy nhất mà nền bóng đá nổi tiếng này có được. Họ thắng Đức 5-3 trong loạt sút luân lưu 11m ở trận chung kết, và đấy chính là lần đầu tiên người ta được xem màn sút luân lưu ở một giải đấu lớn. Các cầu thủ Tiệp Khắc đã vào phòng thay đồ mới được gọi trở ra và biết rằng phải thi sút 11m chứ không phải chờ tái đấu như họ tưởng. Sút thì sút, sao phải xoắn! Sau này, người ta từng khuyên các cầu thủ “đừng nghĩ gì” khi đứng trước quả 11m, có lẽ cũng vì nguyên tắc ấy. Nhưng cần lưu ý: chỉ những cầu thủ cực giỏi, hết sức tự tin về đẳng cấp kỹ thuật, mới nên hoặc có thể hướng tới sự thanh thản trước quả phạt đền.

KHÔNG TỰ TIN, ĐỪNG ĐÁ!
Từ khi thua đau trong trận chung kết EURO 1976, người Đức luôn chiến thắng trên chấm 11m ở các giải lớn, đến tận bây giờ. Vì sao? Dĩ nhiên vì họ luôn có ý thức tập luyện. Hà Lan thì, cho đến hết thế kỷ 20, chẳng bao giờ tập sút 11m - vì cho rằng đấy là chuyện không thể tập. Và đấy là lý do vì sao họ luôn thất bại. Hãy trở lại với chức vô địch EURO 1976 của Tiệp Khắc. Bây giờ thì ai cũng biết “cú Panenka”. Vâng, nhưng ít người biết rằng Panenka đã phải kiên trì tập cú sút ấy như thế nào, biết ông đã... tốn bao nhiêu tiền trả cho đồng đội vì thua khi họ thi đá 11m “ăn tiền”, từ đó mới dẫn tới quyết định phải tập sút 11m, tập đủ kiểu chứ không riêng gì “kiểu Panenka”. Tại World Cup 1982, mọi bàn thắng của đội Tiệp Khắc đều do Panenka ghi từ chấm 11m, nhưng không có “cú Panenka” nào!

Hồi năm 2003, Juventus thua AC Milan ở loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết Champions League. Trước màn “đấu súng”, hầu như mọi cầu thủ Juventus... trốn sạch, khiến HLV Marcello Lippi phải chỉ định người sút, thay vì ghi tên những người xung phong. Ông rầu rĩ: “Không thua mới lạ. Bạn thử nghĩ xem, một tiền đạo mà không dám xung phong đá phạt đền, thì còn ai dám sút?”. Có thể gán câu chuyện này với chính đội Đức (mà thế giới đã công nhận là “vua đá 11m”), khi Mesut Oezil bước lên đá quả phạt đền... quá kém, ở trận gặp Slovakia?

CHỈ "BIỂU DIỄN" ĐÚNG LÚC
Trên nguyên tắc, thủ môn Danijel Subasic của Croatia đã sai luật khi rời khỏi vạch cầu môn trước lúc Sergio Ramos đá quả phạt đền ở trận Croatia - Tây Ban Nha. Nhưng dù được đá lại cũng chưa chắc Ramos sút thành công. Anh quá “màu mè”. Đã có không biết bao nhiêu danh thủ đá hỏng phạt đền vì không thể chấp nhận đấy chỉ là một cú sút đơn giản! Socrates sút 11m mà không lấy đà, khiến Brazil thua Pháp tại World Cup 1986.

Thật ra, cú sút 11m đẹp hoặc có ý tưởng lạ chẳng phải là điều vô nghĩa. Vấn đề là phải biết áp dụng đúng lúc. Tại EURO 2012, Andrea Pirlo (Italia) đá “Panenka” thành công. Ngay lập tức, Ashley Cole (Anh) đá hỏng quả kế tiếp, và Italia thắng Anh trên chấm luân lưu 11m. Khi ấy, Ramos cũng đá “Panenka”, dẫn đến hệ quả là Bruno Alves sút hỏng quả kế tiếp, và Tây Ban Nha thắng Bồ Đào Nha trên đường bảo vệ vương miện. Đấy là những trường hợp cho thấy một quả 11m thành công có giá trị hơn một bàn thắng. Nó còn gây ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần cho cả hai đội nữa. Đáng lẽ Ramos phải biết: quả phạt đền mà anh vừa sút hỏng ở EURO 2016 có tính chất khác hẳn!

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba