Bạn đang ở:

Điểm nhấn chiến thuật EURO 2016

16/06/2016 Bongdaplus.vn

Những trận đấu tại EURO 2016 không chỉ có kịch bản kịch tính mà còn hấp dẫn về mặt chiến thuật với những điểm nhấn đến từ Italia và Iceland.

CONTE KHÔNG CẦN… TIỀN VỆ TRUNG TÂM
Chiến thắng 2-0 trước Bỉ là một đỉnh cao của bóng đá Italia nói chung và HLV Antonio Conte nói riêng. Một tuyển Italia chất lượng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua đã dạy cho những ngôi sao sáng giá bên kia chiến tuyến một bài học về đẳng cấp và kinh nghiệm.

Đầu tiên, hãy nhìn vào sơ đồ 3-5-2 của Italia. Ngoài những cái tên quen thuộc ở hàng phòng ngự, Conte bố trí 2 bên cánh là Matteo Darmian và Antonio Candreva với những nhiệm vụ chuyên biệt. Darmian chơi thấp bên cánh trái và sẵn sàng lùi hẳn xuống để hợp thành hàng tứ vệ khi cần thiết. Hướng đối diện, Candreva chơi thiên về tấn công hơn và là chân tạt chính cho cái đầu của Graziano Pelle hay Eder.

Đáng nói, Conte bố trí 2 vệ tinh lạ lẫm bên cạnh tiền vệ trụ De Rossi là Emanuele Giaccherini và Marco Parolo. So với Axel Witsel, Radja Nainggolan và Marouane Fellaini, hàng tiền vệ của đội bóng Thiên thanh lọt thỏm về trình độ. Nhưng đó chính là ý đồ của Conte.

Italia sẽ không triển khai bóng theo cách phổ thông, họ không dại gì đi vào trận địa toàn “quái vật” chờ sẵn của tuyển Bỉ. Đây là lúc để lấy di chuyển, hệ thống vượt qua những bất lợi về mặt cá nhân. Ở đó, những trung vệ chứ không phải tiền vệ trung tâm mới là nguồn phát chính đưa bóng lên thẳng chỗ của 2 tiền đạo đứng sát nhau, cố gắng cầm bóng để chờ đồng đội lên hỗ trợ.


Tam tấu trung vệ BBC mới là hạt nhân trong lối chơi của Italia

Từ một tình huống như vậy, Leonardo Bonucci đã nhìn thấy khoảng không mà một “chú kiến” bé nhỏ như Giaccherini mới có thể chui vừa để mở tỷ số. Khi Bỉ đã nhận ra sự nguy hiểm của Bonucci và bố trí người kèm cặp, Italia lại biến Andrea Barzagli thành chân chuyền số 1 khi hoàn thành 40 trên 48 đường chuyền, 7 trong số đó đến thẳng chỗ của Pelle.

Khi dồn ép đối phương, trung vệ của Italia giữ bóng trong khi 2 cầu thủ chạy cánh Darmian và Candreva chạy sát lên tận hàng tiền đạo. Đội hình khi đó biến thành 3-3-4. Nhiệm vụ duy nhất của 4 người đứng trên là đón những đường chuyền dài vượt tuyến. Tiền vệ trung tâm nếu có tham gia cũng chỉ hỗ trợ chút ít vào việc phân phối.

Khi mất bóng, bộ khung Italia lại biến thiên tùy trường hợp. Có lúc là 5-3-2, lúc lại 4-4-2 với mục đích là phá vỡ mọi khoảng trống mà Eden Hazard, Kevin De Bruyne-những cầu thủ sáng tạo của Bỉ, có thể tận dụng.

Marc Wilmots nói Bỉ thua là do sai lầm cá nhân nhưng trên thực tế lỗi nằm ở hệ thống. Quỷ đỏ mải miết phô trương sức mạnh mà không hay biết đã lạc vào cái bẫy của kẻ địch. Ba điểm của Italia là chiến thắng của tổ chức, của chiến thuật và của những cầu thủ “trường thành”.

ICELAND MANG 4-4-2 TRỞ LẠI
Số 9 ảo hay 4-3-3 có thể đang là thời thượng nhưng Iceland dường như chẳng quan tâm đến xu thế. Họ mang đến EURO 2016 sơ đồ 4-4-2 truyền thống khi hàng tiền vệ dăng ngang chơi ngay phía sau 2 trung phong.

Sự hiệu quả của 4-4-2 đã được kiểm nghiệm từ lâu, chỉ có điều sơ đồ phổ thông này đã có quá nhiều đội sử dụng và đương nhiên biết rõ những hạn chế của nó. Tuy nhiên điều này nằm ngoài tính toán của HLV Lars Lagerback. Chiến lược gia tên tuổi này chỉ bổ sung khát khao và sức chiến đấu vào hệ thống vốn có này.


Iceland triển khai 4-4-2 rất rõ rệt

Khi có bóng, Iceland vẫn triển khai đều khắp sân theo vị trí đứng của các cầu thủ. Ở đó, cặp tiền vệ trung tâm Gylfi Sigurdsson - Aron Gunnarsson đóng vai trò quan trọng nhất khi là trạm trung chuyển. Bóng sẽ được dồn xuống 2 cánh để các tiền vệ hoặc hậu vệ tạt vào cho 2 “pháo đài” Kolbeinn Sigthorsson, Jon Dadi Bodvarsson không chiến. Lối chơi là rất đơn giản và không khó hiểu khi Bồ Đào Nha dễ dàng cản phá và chỉ cho Iceland dứt điểm đúng 4 lần.

Tuy nhiên, khi ở thế phòng ngự, cả 10 cầu thủ bên trên đều lùi xuống bảo vệ phần sân nhà. Điều này làm người hâm mộ liên tưởng tới Atletico tại Champions League mùa 2015/16. Nhất là lúc Bồ Đào Nha thực hiện các đường căng ngang từ 2 cánh, có trung bình 7 đến 8 bóng áo trắng có mặt trong vòng cấm.

Chơi tử thủ dựa trên một nền tảng đơn giản, Iceland đã có được điều mình cần với 1 điểm quý giá trước người Bồ. Với việc EURO 2016 lấy 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất, Iceland chỉ cần có thêm 2 trận hòa tương tự là đủ để mơ ước lọt vào vòng trong.

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba