Bạn đang ở:

Pháp thắng Đức bằng những công nhân vạm vỡ

08/07/2016 Bongdaplus.vn

Didier Deschamps đã thành công mỹ mãn khi sử dụng dàn công nhân cơ bắp bóp nghẹt sức chiến đấu vốn đã kiệt quệ vì thiếu nhân lực của ĐT Đức.

LỰA CHỌN TÁO BẠO CỦA DESCHAMPS
Có N’Golo Kante và Adil Rami trở lại nhưng Deschamps vẫn quyết định giữ nguyên đội hình xuất phát trước Iceland cho trận đấu với Đức. Cùng với đó, hệ thống 4-2-3-1 đã cho thấy hiệu quả trong việc ghi bàn cũng tiếp tục được đặt niềm tin.

Đây rõ ràng là quyết định mang đậm ý đồ thao lược của Deschamps. Với Kante, Pháp sẽ tăng thêm một con thoi thu hồi bóng ở tuyến giữa, qua đó làm cân bằng đội hình hơn. Đồng thời, nhận thấy Đức mất quá nhiều nhân tố quan trọng trải đều cả 3 tuyến, Deschamps chủ trương tổng tấn công.

Tự tin có Blaise Matuidi và Paul Pogba cực kỳ cơ bắp ở giữa sân, cộng thêm Moussa Sissoko lên công về thủ không biết mệt mỏi bên hành lang phải, Pháp tràn đội hình sang phần sân đối phương ngay từ hồi còi khai cuộc. Và chiến thuật này đã phát huy tác dụng, chí ít là trong khoảng thời gian đầu trận khi lần lượt Antoine Griezmann và Olivier Giroud đều có cơ hội dứt điểm.

Quan trọng nhất, dấu ấn mà Pháp để lại trong trận bán kết rạng sáng nay là một tập thể chơi vô cùng đơn giản. Không phức tạp trong tấn công, mỗi pha lên bóng của đội chủ nhà chỉ yêu cầu ít chạm, qua đó tận dụng tốc độ, cơ bắp vượt trội của mình hành hạ đối thủ.


Pogba và Matuidi cày nát tuyến giữa của Đức

Những pha xử lý phức tạp nhất sẽ có người chuyên trách như Dimitri Payet hay Griezmann. Phần còn lại chỉ dùng sức để càn quét, không có gì hơn. Điều này thực sự khiến Đức hoang mang khi người chốt chặn ở hàng tiền vệ là một ông già như Bastian Schweinsteiger, trong khi Toni Kroos và Emre Can cũng không thể so bì về tranh chấp.

Ngay đến người có thể lực nhất bên phía Đức như Jerome Boateng cũng đã phải vận động quá sức đến mức dính chấn thương. Điều đó đủ để thấy thầy trò Joachim Loew đã khốn đốn thế nào tại Stade Velodrome.

Nghiệt ngã hơn nữa, khi người Đức tưởng chừng đã đưa trận đấu về đúng ý mình thì các bàn thua lại đến theo những cách không ngờ. Một quả penalty gây tranh cãi ở những phút bù giờ hiệp 1 và một tình huống mắc sai lầm của hàng thủ trong hiệp 2.

CÁI CHẾT CỦA TIQUI-TACA?
Tây Ban Nha bị loại khi bế tắc trước Italia tại vòng 1/8. Đức cũng có 90 phút chịu trận dù cầm bóng nhiều hơn hẳn Pháp. Phải chăng những đội bóng theo đuổi tiqui-taca và những biến thể của nó đã đi đến giới hạn?

Trên thực tế thì lối chơi này của Đức và Tây Ban Nha đang thiếu những người có thể chuyển hóa hoàn hảo từ sách vở ra sân cỏ. Đức thiếu vắng Mats Hummels - một trung vệ chuyền bóng tốt từ phần sân nhà, Sami Khedira - tiền vệ hòa hợp giữa công và thủ, Mario Gomez - cầu thủ dứt điểm trận đấu.

Trước đội chủ nhà Pháp có trình độ tương đương, Đức vẫn cầm bóng vượt trội: 66,7%. Die Mannschaft tung ra đến 10 cú dứt điểm nhưng hiệu quả chỉ là số 0. Họ thiếu đi những phương án tiếp cận khung thành hiệu quả mặc dù vây hãm dày đặc phía trước khu vực 16m50 của đối thủ.


Các tình huống dứt điểm của Đức trước Pháp

Những phút cuối, Đức phải từ bỏ lối chơi của mình để chuyển sang lật cánh đánh đầu. Nhưng khi cần thì những trung phong cao to lại không ở đó, điều này chỉ ra sự thiếu hụt nhất định những phương án B lúc nguy cấp của Loew.

Trong bức tranh tối màu này, Thomas Mueller là nỗi thất vọng tràn trề nhất. Không quá khi nói EURO 2016 là quãng thời gian đáng quên của tiền đạo 26 tuổi. Anh không ghi nổi một bàn nào, thậm chí sút luân lưu cũng không thành công.

Bên trong hàng phòng ngự kín kẽ của Pháp, Mueller lọt thỏm. Những pha chạy chỗ cũng mất đi sự tinh tế, dứt điểm lúc thì quá yếu, lúc lại quá dễ đoán. Tất cả đến từ sự thiếu tự tin đến khó hiểu của chân sút Bayern Munich. Cái dớp không ghi bàn ở EURO vẫn chưa buông tha Mueller ở lần thứ hai tham dự.

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba