Bạn đang ở:

Anh thua cả Iceland: Nâng tầm thảm họa

29/06/2016 Bongdaplus.vn

Anh thua Iceland. Nói bất ngờ cũng được, mà không thật bất ngờ thì cũng đúng. Vì sao? Là vì ĐT Iceland cũng đã tiến bộ rất nhiều trong thời gian gần đây.

Ở chính vòng loại EURO 2016, Iceland đã từng đánh bại CH Czech, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là thắng cả 2 trận trước Hà Lan. Mà Hà Lan là đội nào? Đó là đội hạng 3 World Cup 2014, hạng nhì World Cup 2010 với rất nhiều hảo thủ. Đến VCK EURO 2016, Iceland không thua trận nào tính đến thời điểm này, trong đó có trận hòa Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo (dù bị dẫn bàn trước) và mới nhất là trận thắng huy hoàng trước Anh.

Thất bại của Anh đến từ sự thiếu tập trung của hàng thủ (trong bàn thua đầu tiên, sau một tình huống ném biên không có gì là tuyệt chiêu của Iceland) và sai lầm chết người của thủ môn Joe Hart ở bàn thua thứ hai. Giải này, Joe Hart và Harry Kane chơi tệ đến mức khó hiểu. Đó là những thảm họa cá nhân, nhưng lẽ ra Roy Hodgson phải đủ đủ dũng cảm để tìm phương án gỡ rối cho những trường hợp này. Người ta ca ngợi Vardy hay Rashford là những dự bị có thể đem lại nét mới mẻ cho Anh trước Iceland, nhưng lấy gì làm đảm bảo là nếu họ được thi đấu nhiều hơn thì mọi chuyện sẽ khác? Dự bị Daniel Sturridge cũng được ca ngợi sau khi ghi bàn vào lưới Xứ Wales, nhưng khi đá thì chính anh này cũng có làm nên được trò trống gì đâu?

Anh chơi kém ở EURO, dĩ nhiên. Nhưng cũng phải công bằng mà nói Iceland đã chơi hay. Những đội chiếu dưới ở châu Âu đang nổi dậy hàng loạt. Pháp vất vả đánh bại CH Ireland ở vòng 1/8, trước đó ở vòng bảng bị cả Romania và Albania cầm hòa đến tận phút 88, còn gặp Thụy Sỹ thì bị cầm chân 0-0. Bồ Đào Nha có tới 3 lần bị Hungary dẫn trước. Hungary thua Bỉ tới 0-4 nhưng cho đến trước khi bị đối thủ ghi 3 bàn vào những phút cuối trận, chính họ mới là đội chơi tốt hơn, có tổ chức hơn và tạo được không ít cơ hội ghi bàn. Đức đang được đánh giá là xuất sắc, nhưng đội bóng này rất chật vật trước Ukraine, chỉ thắng sát nút trước Bắc Ireland và chơi dưới cơ khi gặp Ba Lan, đội bóng đã rất nhọc nhằn trước Thụy Sĩ ở vòng 1/8.

Một loạt ví dụ nêu trên tuy không dính dáng đến ĐT Anh, nhưng thật ra chúng lại khẳng định rằng, Anh hay bất kỳ đội bóng lớn nào nếu có thất bại trước một đối thủ kiểu như Iceland thì cũng đừng xem đó là thảm họa hay là thất bại nhục nhã nhất lịch sử bóng đá như cách người Anh đang nguyền rủa chính mình.

Trong cơn căng tràn của cảm xúc, sự giận dữ và tất cả những gì tiêu cực nhất có thể, người ta dễ đưa ra những ý kiến, lập luận thiếu khách quan, lệch lạc. Iceland chỉ có 330.000 dân, cách đây 4 năm từng xếp thứ 133 thế giới mà đánh bại siêu cường Anh? Xin thưa, 2 thập kỷ qua ĐT Anh không còn là siêu cường nữa vì họ có lọt vào tới bán kết giải lớn nào đâu? Dân số cũng không quyết định thành công trong bóng đá. Những nước tỷ dân biết đâu có đội tuyển ra hồn? Những nước là siêu cường kinh tế nhưng đâu có ĐTQG mạnh? Trong khi đó, Hà Lan với dân số chưa đến 17 triệu dân, nhưng luôn có truyền thống vẻ vang về bóng đá.

Vậy mà chính Hà Lan đã 2 lần thua cả 2 trước Iceland ở vòng loại EURO vừa qua. Từ vòng loại đến VCK, Iceland khiến một loạt đội bóng khổng lồ về danh tiếng lẫn tài năng phải ôm hận. Sự kém cỏi của người Anh có đóng góp từ sự xuất sắc của Iceland! Tiền bạc chỉ là phương tiện, chứ không quyết định tất cả vì ĐT Anh không thể dùng tiền chiêu mộ Neymar, Suarez, Ronaldo hay Messi. Nhưng, một HLV ngoại xuất sắc thì có thể! Và cả khối công việc trước mắt, cho một khởi đầu mới đầy hoang mang ở thời kỳ hậu “cú sốc” (chứ không phải thảm họa) Iceland.

Đội tuyển

  • BXH
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
  • Vua phá lưới
TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Top 3 của các kỳ Euro
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba